Bệnh viên Âu Cơ

Rối loạn chức năng sàn chậu nữ

Đăng ngày: 14-12-2018 10:00 am

Sàn chậu nữ được ví như một cái võng, phần thấp nhất của thân mình, có nhiệm vụ nâng đỡ, giữ cho các cơ quan trong ổ bụng  nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động hay chạy nhảy. Ngoài ra, sàn chậu còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, trong hoạt động tình dục và  quá trình sinh nở.

Sàn chậu nữ là tổng thể của 3 hệ thống:

  • Hệ thống đường niệu dưới (bàng quang, niệu đạo).
  • Hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo).
  • Hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn).

Ba hệ thống này hoạt động hài hòa nhịp nhàng với nhau, hệ thống này nhường nhịn hệ thống kia theo sự điều khiển chủ động của con người, đảm bảo chức năng đại-tiểu tiện và tình dục của con người hài hòa, thỏa mãn.

 

 

Do đó, khi có rối loạn chức năng sàn chậu thì sẽ thể hiện qua sự rối loạn của các cơ quan hệ thống này, cụ thể như :

  • Rối loạn đường tiểu dưới: Són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng, không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, nhiều lần, cảm giác đi tiểu không hết.
  • Sa tạng vùng chậu:  khối sa lồi ra từ âm đạo hoặc trực tràng do bàng quang, tử cung hoặc trực tràng, ruột  sa ra ngoài.
  • Rối loạn đường hậu môn, trực tràng: Són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy, không nhịn được theo ý muốn khi mắc xì hơi hoặc mắc đi tiêu. Táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống.
  • Rối loạn tình dục: Giao hợp đau, giảm cảm giác, giao hợp bị cản trở, cảm giác cửa mình rộng.
  • Đau vùng chậu: đau bụng dưới có hay không có chu kỳ, đau âm hộ, âm đạo, đau tầng sinh môn.

 

 

Tầng xuất rối loạn chức năng sàn chậu nữ:

  • Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ đã từng mang thai và sinh đẻ, có một người bị són tiểu.Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu.
  • 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu.Trong đó cứ 5 người thì có 1người bị sa từ 2 cơ quan trở lên (sa tử cung, sabàng quang, sa trực tràng).

Những yếu tố nguy cơ đưa đến rối loạn chức năng sàn chậu nữ như sau:

- Cơ sàn chậu sẽ suy yếu dần theo tuổi, theo số lần mang thai và sinh đẻ cũng như những sang chấn trong quá trình sinh .

- Tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.

- Các yếu tố làm áp lực ổ bụng tăng mãn tính: béo phì, ho mãn tính, táo bón mãn tính, nâng vật nặng lặp đi lặp lại.

Việc điều trị rối loạn chức năng sang chậu tùy thuộc vào mức độ rối loạn chức năng sàn chậu và hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân. Bao gồm các phương thức cơ bản sau:

- Thay đổi lối sống, giảm cân, điều trị các bệnh lý nội khoa: ho mạn tính, táo bón…

- Tập luyện cơ sàn chậu theo các bài tập hướng dẫn hoặc bằng máy, kích thích điện cơ để nhận biết đúng nhóm cơ cần tập.

- Tập luyện vật lý trị liệu ruột, bàng quang để giúp kiểm soáttiêu tiểu.  Điều trị thuốc khi có viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo.

- Đặt vòng nâng Pessary điều trị sa cơ quan vùng chậu,són tiểu.

- Thời gian gần đây việc ứng dụng Laser trong điều trị các rối loạn chức năng sàn chậu đã được nghiên cứu và cho thấy kết quả rất khả quan, mở ra một hướng điều trị mới cho bệnh nhân.

- Chỉ định phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả.

Tuy không đe dọa trực tiếp tính mạng của bệnh nhân nhưng rối loạn chức năng sàn chậu  ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, không tự tin.

Do tâm lý ngại ngùng vì mang "bệnh khó nói" và thấy không nguy hiểm tính mạng nên nhiều chị em không đi điều trị, để tình trạng bệnh ngày càng nặng kèm biến chứng.

Khi bản thân chị/em hay người thân có vấn đề nghi ngờ về rối loạn chức năng sàn chậu, bạn có thể  đến khoa Niệu Phụ Khoa bệnh viện Âu Cơ để được kiểm tra và can thiệp nếu cần.

Hãy tiếp tục tìm hiểu về vấn đề này với BS.CK1. NGUYỄN ĐÌNH ĐƯƠNG, khoa niệu phụ khoa- Bệnh Viện Âu Cơ Biên Hòa.

 

Nguồn: BS CKI Nguyễn Đình Đương, Khoa Niệu Phụ Khoa, Bv Phụ Sản Âu Cơ